Trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 25-28/11 để tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hàn Quốc - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc - Mekong và thăm chính thức Hàn Quốc, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú về quan hệ song phương giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hữu Tuyên/PV TTXVN tại Hàn Quốc
Xin Đại sứ đánh giá khái quát về sự phát triển quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc trong 27 năm qua?
Trong 27 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Với hơn 66 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam: từ lĩnh vực may mặc, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng đến điện tử, ô tô, tài chính ngân hàng... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tăng xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Việt Nam là một trong hai nước ASEAN ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc (cùng Singapore), kim ngạch thương mại song phương đạt 65,7 tỷ USD trong năm 2018, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch giữa Hàn Quốc và ASEAN. Hai nước là đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Hàn Quốc cung cấp nguồn linh kiện, máy móc thiết bị thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam để xuất đi nước thứ ba. Việt Nam là điểm tựa để các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng có bước phát triển lớn trên nền tảng văn hóa và lịch sử tương đồng. Trong các năm qua, hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Gần đây nhất là Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 9, một sự kiện rất lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Hiện có hơn 180.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc trong khi số người Hàn Quốc ở Việt Nam cũng lên tới hơn 160.000 người. Họ đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai bên.
Một điểm nữa cũng đáng chú ý giữa Việt Nam và Hàn Quốc là sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như Mekong - Hàn Quốc, ASEAN + Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Hai bên không chỉ hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn chia sẻ lập trường về các vấn đề mang tính nguyên tắc như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Xin Đại sứ cho biết bối cảnh, mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc và thăm chính thức Hàn Quốc, diễn ra trong bối cảnh quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, các nước Mekong - Hàn Quốc và đặc biệt là Quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.
Về quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, kể từ năm 1989, khi Hàn Quốc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, các mối quan hệ giữa người dân với nhau và cũng như trao đổi văn hóa đã tăng lên theo cấp số nhân. ASEAN là khu vực có hơn 500.000 người đang làm ăn, sinh sống và học tập ở Hàn Quốc. Làn sóng Hanllyu (K-Wave) từ Hàn Quốc đã được chào đón ở ASEAN trong hơn 10 năm qua. Nhiều công dân ASEAN đã đến Hàn Quốc thăm quan, du lịch. Năm 2019 là năm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao ASEAN - Hàn Quốc. Năm qua, nhiều sự kiện đã được tổ chức nhằm kỷ niệm sự kiện này. Các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần này cũng sẽ mang đến những sáng kiến quan trọng để mang lại lợi ích cho các công dân ASEAN như dễ dàng xin thị thực (visa) vào Hàn Quốc, tăng cơ hội học tập nghiên cứu tại Hàn Quốc cũng như cho công dân Hàn Quốc tại các nước ASEAN…
Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác quan trọng nhất trong hợp tác với các nước khu vực sông Mekong thông qua hoạt động hợp tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo… và các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Quỹ Hợp tác phát triển (EDCF) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cung cấp. Trong giai đoạn 1987-2017, ODA của Hàn Quốc viện trợ cho các nước khu vực sông Mekong chiếm tới 74% tổng viện trợ ODA của Hàn Quốc cho ASEAN. Đây là con số mang nhiều ý nghĩa vì 4 trong số 5 quốc gia thuộc khu vực sông Mekong có trình độ phát triển thấp hơn so với các nước thành viên khác của ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Mekong – Hàn Quốc lần thứ nhất với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là dấu mốc mới hợp tác Mekong - Hàn Quốc, ngay sau khi Tổng thống Moon Jae-in (Mun Chê In) công bố “Tầm nhìn Mekong” tại Lào ngày 5/9 vừa qua.
Về quan hệ song phương, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị mọi mặt với Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc đang tích cực triển khai Chính sách hướng Nam mới, trong đó Việt Nam được coi là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu nhất. Hai bên đang tích cực phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam thành công tốt đẹp.
Nguồn bài viết : Las Vegas trực tuyến